Ngày 16/3, tại hội thảo “Đổi mới tiếp cận tài chính toàn diện cho chuỗi cung ứng” do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Công ty Validus Việt Nam tổ chức ở TPHCM, ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã nêu những khó khăn mà các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang phải đối mặt.
Dù Chính phủ đã đưa nhiều chính sách hỗ trợ cho DN trong năm qua như: Gói hỗ trợ 2% lãi suất; gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, hạ lãi suất vay… nhưng thực tế nhiều DN vẫn chưa thể tiếp cận.
Đại biểu chia sẻ tại hội thảo. |
“Để vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, các DNNVV có xu hướng tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tài chính, vay vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Các khoản vay sẽ giúp hỗ trợ các nhu cầu về vốn một cách nhanh chóng, cho phép DN tiết kiệm thời gian, tiếp cận nhiều cơ hội mới và phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhưng rõ ràng việc tiếp cận nguồn vốn vẫn đang gặp không ít khó khăn dù chính phủ đã ban hành nhiều gói hỗ trợ. Nguyên nhân là do DN thiếu tài sản thế chấp, hệ thống báo cáo tài chính chưa chuẩn chỉnh, việc quản trị dòng tiền vẫn còn nhiều hạn chế…” – ông Đặng Hồng Anh nói.
“Một số ngân hàng cho biết, họ cho vay với DNNVV rất khó vì báo cáo tài chính của DN rất đa dạng. Cùng một DN nhưng họ có tới 2 báo cáo tài chính, một báo cáo nộp cho thuế, cái còn lại nộp cho NH. Thậm chí, báo cáo tài chính nộp ngân hàng, DN còn làm nhiều báo cáo tài chính khác nhau gửi cho ngân hàng khác nhau khi vay vốn. Đây là điều các ngân hàng rất quan ngại” – bà Thanh Huyền chia sẻ.
Khó tiếp cận vốn ngân hàng, nhiều DN chủ yếu dùng nguồn vốn tự có, vay mượn gia đình, người thân (ảnh sản xuất tại Công ty Sông Hương Foods). |
Tại Việt Nam, tỷ trọng cho vay bảo đảm là động sản chỉ từ 25-30%; 70% còn lại là khoản vay yêu cầu có tài sản đảm bảo là bất động sản. Trong khi trên thế giới, đối với các khoản vay có bảo đảm là động sản phần lớn là các khoản phải thu và hàng hóa lưu chuyển trong kinh doanh. Vì đây là 2 loại tài sản gần với tiền mặt nhất và là dòng luân chuyển của tiền mặt.
“Do đó, các NH cần phải đưa ra các sản phẩm tài chính có tính cải tiến và sáng tạo hơn để phù hợp cho các DNNVV. Chúng tôi vẫn khuyến nghị các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng tại Việt Nam hãy tận dụng tài sản là hàng hóa và các khoản phải thu của DN làm tài sản bảo đảm. Đó chính là cách ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền của DNNVV và giảm thiểu rủi ro lớn nhất khi cho vay” – bà Thanh Huyền nhấn mạnh.
Báo cáo từ IFC cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có 19.700 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 164.700 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký là 119.600 lao động (giảm 3% về số DN, giảm 40,7% số vốn đăng ký, giảm 20,1% số lao động so với cùng kỳ).
18.200 DN quay trở lại hoạt động (giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2022); số DN tạm ngừng hoạt động có thời hạn là 38.800 DN (tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước). Có 9.400 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 5,8%); 3.200 DN hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 1,6%). Bình quân một tháng có 25.700 DN rút khỏi thị trường.
Báo Tiền Phong