Đồng Tháp ‘đón sóng’ đầu tư Ấn Độ
Đồng Tháp có gì hấp dẫn?
Kể từ khi tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đưa vào sử dụng, giao thông đường bộ kết nối tỉnh Đồng Tháp với TP. HCM đã thuận tiện và rút ngắn thời gian di chuyển.
Ngày 25/6, tỉnh Đồng Tháp đã khởi công xây dựng đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giai đoạn 1 với chiều dài 27,43 km. Tuyến đường này có điểm đầu giao với cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Như vậy, sau khi tuyến cao tốc này hoàn thành thì việc di chuyển từ trung tâm tỉnh Đồng Tháp về TP. HCM chỉ mất khoảng 2 giờ ngồi xe ô tô.
Bằng các nguồn vốn trung ương và địa phương, trước đó các tuyến quốc lộ 30, 54, 80 và N2 đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng được đầu tư, nâng cấp đã góp phần đưa mạng lưới giao thông của địa phương này hoàn chỉnh và thông suốt, giao thông thuận lợi hơn.
Với vị trí địa lý nằm giữa 2 con sông lớn nhất ĐBSCL là sông Tiền và sông Hậu, Đồng Tháp cũng có lợi thế về giao thông thủy. Trên địa bàn tỉnh có 3 khu bến cảng có thể tiếp nhận tàu từ 3.000 – 5.000 DWT, đó là cảng Tân Cảng Cao Lãnh; cảng Tân Cảng Sa Đéc và Cảng Bảo Mai – Lai Vung.
Với sản lượng lúa đạt khoảng 3,2 triệu tấn, sản lượng cá tra trên 500.000 tấn, Đồng Tháp là địa phương thuộc tóp 3 dẫn đầu cả nước về sản lượng 2 mặt hàng này.
Tỉnh Đồng Tháp còn được biết đến là vùng sản xuất nhiều loại trái cây nổi tiếng như xoài, cam, quýt và sen, đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến. Trong đó riêng sản lượng xoài đạt gần 200.000 tấn/năm, chiếm 18% sản lượng xoài của cả nước và là địa phương dẫn đầu khu vực ĐBSCL về loại cây ăn quả này.
Bên cạnh đó, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp còn được mệnh danh là “thủ phủ hoa” khi có đến 300 năm phát triển nghề trồng hoa với gần 3.000ha đất chuyên canh 3.000 chủng loại hoa, 12 triệu sản phẩm/năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, xác định bên cạnh lợi thế về nguồn nguyên liệu thì một trong những điều kiện cần để đón doanh nghiệp và nhà đầu tư, đó là việc xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Đến nay, tỉnh đã quy hoạch tổng thể 4 khu công nghiệp, với diện tích 550ha. Trong đó có 3 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 88%; 1 khu công nghiệp đã có đất sạch, đang kêu gọi đầu tư hạ tầng (khu công nghiệp Tân Kiều có diện tích 100ha). Tỉnh hiện có hơn 200ha đất công nghiệp sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê với giá hiện tại từ 70 – 110 USD/m2.
Ngoài ra, Đồng Tháp đã tiến hành quy hoạch tổng thể 34 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 2.100 ha, trong đó có 12 cụm công nghiệp có diện tích gần 400ha, đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 85% (9/12 cụm đã lấp đầy 100%).
Không chỉ chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp, Đồng Tháp đã và đang mời gọi các nhà đầu tư khai thác tiềm năng và lợi thế khu kinh tế cửa khẩu với diện tích gần 32.000 ha.
Với đường biên giới dài hơn 50km giáp nước bạn Campuchia, cách Thủ đô PnomPênh (Camphuchia) khoảng 200km, Đồng Tháp có 2 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước (huyện Hồng Ngự) và Dinh Bà (huyện Tân Hồng) đang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng và mời gọi đầu tư.
“Đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch cũng là lĩnh vực đang được tỉnh quan tâm mời gọi đầu tư. Với các khu di tích, khu du lịch tầm cỡ như Khu Di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu Di tích Gò Tháp, Khu Du lịch Xẻo Quýt, Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng, Làng hoa kiểng Sa Đéc…ngành du lịch của địa phương đã thu hút được lượng khách tham quan năm sau luôn cao hơn năm trước”, ông Nghĩa cho hay.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp Trương Hòa Châu cho rằng, Đồng Tháp có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư như có nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến dồi dào, quỹ đất còn lớn, môi trường đầu tư kinh doanh dẫn đầu khu vực khi có đến 15 năm liên tục nằm ở tóp 5 dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
“Sở dĩ nhiều năm nay thu hút đầu tư của địa phương còn chậm là do điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, nay điểm nghẽn này đang được khơi thông, đây chính là thời cơ thích hợp để nhà đầu tư “rót” vốn đầu tư vào địa phương”, ông Châu nhận định.
Doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm lĩnh vực nào?
Theo ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM, với mong muốn kết nối thương mại, hợp tác đầu tư với tỉnh Đồng Tháp và vùng ĐBSCL, từ ngày 27 – 29/6, lần đầu tiên sẽ có hơn 150 doanh nghiệp Ấn Độ đến tỉnh Đồng Tháp tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, trong đó, có hơn 100 doanh nghiệp về thương mại; 20 doanh nghiệp trong các lĩnh vực dệt may, chế biến thực phẩm, thuỷ sản; 20 doanh nghiệp về du lịch và 10 doanh nghiệp về công nghệ thông tin.
“Đây là sự kiện lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng với tỉnh Đồng Tháp và Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM. Tôi tin chắc sự kiện này sẽ đánh dấu một bước khởi đầu mới cho mối quan hệ của hai bên và có những điều tích cực đáng chờ đợi sắp tới”, ông Madan Mohan Sethi kỳ vọng.
Về thương mại, theo ông Madan Mohan Sethi, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ năm 2022 đạt 15,1 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước, dự báo thương mại song phương đến năm 2025 có thể đạt con số 20 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Đồng Tháp sang Ấn Độ đạt trên 18 triệu USD trong năm 2022, tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2016.
Theo ông Madan Mohan Sethi, thông tin từ Hiệp hội logistics Việt Nam cho biết, thời gian gần đây các lô hàng từ Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ ngày càng nhiều, bao gồm các sản phẩm nông sản.
Tỉnh Đồng Tháp nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung, là khu vực sản xuất nông sản lớn nhất của Việt Nam rất hy vọng qua sự kiến gặp gỡ, giao thương lần này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Đồng Tháp và ĐBSCL đẩy mạnh xuất khẩu nông, thuỷ sản và đặc biệt là “hoa Sa Đéc” vào Ấn Độ.
Ở chiều ngược lại, theo ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, địa phương mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Ấn Độ trong xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn; đầu tư các Trung tâm bảo quản, chế biến nông sản và phụ phẩm nông nghiệp; kết nối thương mại đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản sang Ấn Độ – quốc gia đông dân số thứ hai thế giới.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Ấn Độ trong đầu tư sản xuất năng lượng sạch, xây dựng các Trung tâm thương mại, khách sạn; xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư; đầu tư các khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái trong thời gian tới.
Được biết, Hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ với tỉnh Đồng Tháp sẽ được tổ chức từ ngày 27 – 29/6 tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra nhiều hoạt động, bao gồm ngày hội quốc tế yoga năm 2023; hội nghị hợp tác thương mại, đầu tư Ấn Độ và Đồng Tháp; phiên gặp gỡ, thảo luận kết nối doanh nghiệp Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp cũng như phiên kết nối với chủ đề du lịch và công nghệ thông tin.
Đồng thời, các đại biểu tham dự sự kiện sẽ tham quan thực tế khu di tích Gò Tháp; các khu, cụm công nghiệp, nhà máy và làng hoa Sa Đéc…
Dịp này, tỉnh Đồng Tháp cũng tổ chức trưng bày, triển lãm các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm xuất khẩu tỉnh Đồng Tháp và khu triển lãm giới thiệu các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp đang mời gọi đầu tư…
CafeF/ Nhà đầu tư