FED liên tục tăng lãi suất trong thời gian qua để kiềm chế lạm phát.

Động thái này của FED đẩy nhiều nền kinh tế đang phát triển tới vực thẳm khi đồng tiền của họ bị mất giá nhanh, gây thêm áp lực lạm phát và phải đối mặt nguy cơ suy thoái và khủng hoảng.

Khó khăn của các nước nghèo

Khi FED tăng mạnh lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát và lấy lại cân bằng vĩ mô đã buộc hầu hết các NHTW cũng phải nâng lãi suất nhằm cân bằng tỷ giá, tránh nhập khẩu lạm phát và sự tháo chạy của dòng vốn ra ngoài. Theo tính toán của WB thì lãi suất trên toàn cầu cần tiếp tục được nâng lên thêm ít nhất 2% nữa trong năm 2023. Nếu điều này xảy ra, mức tăng trưởng toàn cầu sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm xuống còn 0,5% trong năm 2023. Hành động của các NHTW hiện nay là hợp lý, nhưng nó lại đặt các nền kinh tế đang phát triển vào nguy hiểm.

Thứ nhất, khi FED và các NHTW tăng lãi suất, dòng vốn đầu tư và tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn sẽ chậm lại. Điều này khiến xuất khẩu của nhiều nước đang phát triển gặp trở ngại vì cầu đối với hàng xuất khẩu họ sụt giảm.

Thứ hai, lãi suất của USD và các đồng tiền mạnh tăng khiến chi phí trang trải nợ cũng tăng lên khi các quốc gia phải bỏ nhiều đồng nội tệ hơn để chuyển đổi sang ngoại tệ cho mục đích trả nợ. Các quốc gia trước đây vay nợ nhiều để chống chọi với đại dịch nay lại đứng trước nguy cơ mất khả năng trả nợ.

Thứ ba, đồng tiền của các quốc gia nói trên mất giá khiến chi phí nhập khẩu lương thực, thực phẩm, phân bón tăng mạnh. Điều này lại càng khiến lạm phát trong nước vốn đã cao trở nên trầm trọng hơn, rất khó kiểm soát. Theo đó, bất ổn vĩ mô tăng lên và nền sản xuất nhanh chóng rơi vào đình đốn.

Nếu NHTW của họ không nâng lãi suất thì họ phải đối mặt với lạm phát phi mã và sự tháo chạy của dòng vốn sẽ giết chết nền kinh tế trong thời gian ngắn; còn nếu NHTW phải nâng lãi suất thì sản xuất, tiêu dùng và do đó tăng trưởng cũng bị sụt giảm và nguy cơ rơi vào suy thoái và khủng hoảng là rất cao.

Chi phí nợ tăng mạnh

Theo tính toán của các chuyên gia, FED tăng mạnh lãi suất có thể đẩy chi phí vay của hàng chục nước đang vay mượn bằng USD càng thêm khó khăn. Có khoảng 60% nền kinh tế đang phát triển đang gặp khó khăn hoặc chịu rủi ro cao vì nợ.

Bộ trưởng Tài chính Indinesia cho biết các nước này đang chịu ba mối đe dọa cùng một lúc đó là lạm phát cao, dịch bệnh và hiệu ứng từ chiến sự Nga- Ukraine. Số người lâm vào cảnh túng đói tăng vọt từ mức 135 triệu người lên 276 triệu người chỉ tính riêng trong năm nay. Nếu tình hình tài chính toàn cầu xấu đi thì tình hình còn tồi tệ hơn.

Các nước này thường vay bằng USD. Khi đồng tiền này biến động mạnh, họ rất khó kiểm soát tình hình. Bởi vì USD lên giá mạnh, chi phí vay và trang trải nợ tăng vọt. Không chỉ vậy, triển vọng tăng lãi suất USD vẫn sẽ tiếp tục, khiến tình hình càng thêm khắc nghiệt đối với các nền kinh tế đang phát triển và đặc biệt là các nền kinh tế có thu nhập thấp. Điều thuận lợi duy nhất đem lại cho các nước này là khi USD lên giá, giúp họ tăng xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, hiệu ứng này cũng không đủ lớn và đặc biệt những nước không có khả năng xuất khẩu chắc chắn gặp nguy cơ lớn.

Tỷ lệ nợ công trên GDP trung bình của những nước đang phát triển đã tăng từ 52% lên mức 67% kể từ khi đại dịch đến nay. Đây là mức tăng quá nhanh và khi vay thì USD lại rất rẻ chỉ với lãi suất khoảng 0,5% /năm thì đến nay, tức chỉ hơn một năm sau khi vay, lãi suất USD đã lên tới 3,25%/năm và còn tăng tiếp. Không một nền kinh tế nghèo nào có thể trang trải được sự gia tăng chi phí nợ lớn như vậy trong thời gian ngắn như vậy.

Theo dự kiến, FED có thể tăng lãi suất vượt 5% trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ lần này.

Tác động đến GDP

Một nghiên cứu cho thấy các lần nâng lãi suất trong lịch sử đã gây hại cho các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình là rất lớn.

Trong những năm 1970 khi FED tăng lãi suất thì các nền kinh tế, như Mexico, Ba Lan, Hàn Quốc và Chi-lê ngay lập tức bị ảnh hưởng nặng nề nhất, sau đó khủng hoảng lan sang nhiều nước và khu vực khác. Ở Mỹ Latin, cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến “thập kỷ mất mát” khi tăng trưởng thu nhập trên đầu người trở thành âm, tức bị thu hẹp, kéo dài suốt thập kỷ 1980. Và trong suốt thời kỳ 1980-2000, khu vực này chứng kiến một thất bại kinh tế tồi tệ nhất trong thế kỷ 20 với mức nghèo đói tăng liên tục trong thời kỳ 20 năm đó.

Còn năm 1994, việc FED tăng lãi suất cũng gây ra một cuộc khủng hoảng khác ở Mexico và nó cũng đe dọa lan rộng ra khắp các nền kinh tế đang phát triển đặc biệt nặng nề là đối với các nước ở Mỹ Latin. Gói cứu trợ 50 tỷ USD được tung ra ngay lập tức, nhưng sự phục hồi của Mexico chậm chạp và kéo dài. Tiền lương thực tế giảm 21,2% từ năm 1994 đến 1996, và chỉ trở lại mức trước khủng hoảng vào năm 2005.

Theo tính toán cứ 1% lãi suất mà FED tăng thêm thì ba năm sau đó sẽ làm giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển 0,8% (so với mức 0,5% ở các nền kinh tế phát triển). Và chỉ số về sự bấp bênh và dễ bị tổn thương của nền kinh tế đang phát triển cao hơn nhiều so với Mỹ và các nền kinh tế phát triển.

Do đó, nghiên cứu này khuyến cáo rằng nếu FED buộc phải nâng lãi suất thì cũng cần có biện pháp trợ giúp đi kèm dành cho các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế có thu nhập thấp, nợ công cao, khả năng xuất khẩu không cao và lệ thuộc vào nhập khẩu lương thực và năng lượng.

Nguồn: diendandoanhnghiep