Các giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp năng lượng tái tạo

Sản xuất hydro xanh, khí sinh học biogas, công nghệ tái sử dụng… là những giải pháp hỗ trợ lưu trữ, chuyển đổi năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Ngày 15/5 tại Hà Nội, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) đã phối hợp với Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức (BMWK) triển khai hội thảo và triển lãm “Các công nghệ tiên tiến hỗ trợ thúc đẩy tích hợp nguồn năng lượng tái tạo, hướng tới chuyển dịch năng lượng sạch”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thuộc khuôn khổ Đối thoại Năng lượng Việt – Đức thực hiện liên tục từ năm 2022.

Dự án điện gió tại Ninh Thuận. Ảnh: ESP

Dự án điện gió tại Ninh Thuận. Ảnh: ESP

Tại sự kiện, ông Markus Bissel – đại diện diễn đàn Đối thoại Năng lượng Việt – Đức cho rằng, hội thảo là cơ hội để các bên liên quan bao gồm doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách chia sẻ ý tưởng, giải pháp công nghệ cho quá trình chuyển dịch năng lượng, qua đó tạo động lực cho tương lai phát triển bền vững tại Việt Nam.

Ông Markus phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ESP

Ông Markus phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ESP

Một số công nghệ nổi bật giúp tích hợp nguồn năng lượng phân tán lên lưới điện được giới thiệu tại hội thảo như: lưới điện thông minh hỗ trợ tích hợp tối ưu các nguồn năng lượng tái tạo; giải pháp tối ưu hóa các tài nguyên năng lượng phân tán như xe điện, hệ thống lưu trữ năng lượng; công nghệ tái sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và công nghệ sản xuất hydro xanh.

Doanh nghiệp giới thiệu công nghệ tích hợp năng lượng tái tạo tại triển lãm. Ảnh: ESP

Doanh nghiệp giới thiệu công nghệ tích hợp năng lượng tái tạo tại triển lãm. Ảnh: ESP

Một số công nghệ khác cũng được chú ý như khí sinh học (biogas). Các doanh nghiệp giới thiệu công nghệ và máy móc sử dụng nguyên liệu đầu vào là chất thải ngành chăn nuôi, rác thải từ cây trồng nông nghiệp, phế thải từ công nghiệp thực phẩm và các bếp ăn công nghiệp… để sản xuất . Nhiều giải pháp tối ưu hóa biogas tại các trang trại cũng được đề xuất như hệ thống vệ sinh đáy bể không cần mở nắp, chủ động sản xuất hệ thống tiền xử lý khí sinh học đạt hiệu quả cao, cung cấp các sản phẩm lọc khí sinh học để tái sử dụng khí sinh học cho nhu cầu đun nấu, hạn chế các nhược điểm từ nguồn nguyên liệu không ổn định, bảo hành sửa chữa khó khăn.

Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất hydro xanh cũng được các đại biểu quan tâm. Hydro xanh là một loại nhiên liệu đốt trong nhà máy điện, nhiên liệu cho phương tiện giao thông hoặc sử dụng để lưu trữ, chuyển đổi năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo. Đây cũng là công nghệ Việt Nam đang xem xét nghiên cứu để sản xuất và ứng dụng nhằm lưu trữ năng lượng từ điện gió, điện mặt trời.

Các nội dung trao đổi tại sự kiện cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng kết nối để mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Đức Tâm, đại diện Công ty Cổ phần Ứng dụng Kỹ thuật ATS chia sẻ, trong hệ thống cung cấp điện hiện có khoảng 10GW điện mặt trời áp mái không được quản lý. Đó là thách thức rất lớn đối với ngành điện cũng như các nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ quản lý vận hành. GIZ và ATS đã hợp tác phát triển và thực hiện thành công dự án giám sát điều khiển từ xa và tập trung các nguồn năng lượng phân tán. Điều đó chứng tỏ có giải pháp để giám sát, điều khiển và quản lý một cách chính xác, tin cậy các nguồn năng lượng tái tạo, ông Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, dự án công nghệ giám sát điều khiển từ xa và tập trung các nguồn năng lượng phân tán do GIZ và ATS hợp tác phát triển có 3 đặc điểm chính: thiết bị và phần mềm có khả năng tương thích tốt trên hệ thống của Việt Nam; sẵn sàng để tương thích với Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia trong tương lai. Thứ ba là công nghệ này cho phép tại một phòng điều khiển trung tâm có thể quản lý các thiết bị một cách chính xác.

Nói về kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng của nước Đức, bà Nicole – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Năng lượng và Khí hậu tại khu vực châu Á cho hay, nửa đầu năm 2022, các nguồn năng lượng tái tạo chiếm khoảng 49% trong hệ thống điện năng của Đức với nguồn phát điện chính từ điện gió và điện mặt trời. Các doanh nghiệp Đức và quốc tế có mặt tại triển lãm để trao đổi ý tưởng, chia sẻ các thông lệ tốt, tìm kiếm cơ hội tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này. Đồng thời tích cực giới thiệu các công nghệ mới và giải pháp mang lại lợi ích cho ngành năng lượng Việt Nam.

Doanh nghiệp giới thiệu hệ thống hydro xanh. Ảnh: ESP

Doanh nghiệp giới thiệu hệ thống hydro xanh. Ảnh: ESP

Là quốc gia đi đầu về phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, Đức hỗ trợ Việt Nam thông qua chương trình Đối thoại Năng lượng Việt – Đức do Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) thực hiện. Hơn 10 năm qua, ESP là cầu nối tổ chức nhiều hoạt động trao đổi kinh nghiệm về xây dựng chính sách, phát triển mạng lưới doanh nghiệp, mạng lưới phụ nữ trong ngành năng lượng, cùng hướng đến chuyển dịch năng lượng bền vững.

VNEXPRESS